VỊ  CHÂN  SƯ

Vị  Chân  Sư   (tt)

 

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

'Nay, như tôi nói ngày hôm qua, cách loại trừ ảo ảnh là làm cho cái trí thành là một với chân lý, là tinh túy của sự an lạc, bởi lý thuyết mà  không có thực hành thì  không ích lợi gì, tựa như kêu to Nghệ Thuật ! Nghệ Thuật ! thì cũng  không ích lợi gì cho việc vẽ một bức tranh. Thế thì khoa học của linh hồn gồm có một điều trong nhiều điều khác, là tập định trí, nhờ vậy các lao chao của cái trí được kềm giữ lại,  không còn được phép bay nhẩy như khỉ tới lui lung tung từ chuyện này sang chuyện kia. Cái trí giống như hồ nước có vô số sóng nước bị dục vọng và chuyện bâng quơ của cái trí vẩn vơ gợi nên; bao lâu mà những sóng này chưa được làm yên thì  không sao thấy được đáy hồ phẳng phiu là linh hồn.
Và rồi Aristion đứng lên khỏi ghế, nói.
– Nhưng vậy là đủ cho hôm nay, và ngày mai vào cùng giờ, chúng ta sẽ tiếp tục bài học, còn trong lúc này xin hãy giải trí cách nào tùy thích.
Rồi ông lui vào nhà.

 

VIII

Ngày hôm sau ba người trở lại gian phòng nhỏ giữa các rặng thông lần thứ ba, sau khi họ đã an vị Aristion mỉm cười hiền hậu với hai học trò và nói.
– Mọi đức hạnh khó mà đến cho ai chưa đồng hóa mình với hạnh phúc vô điều kiện, và trước tiên đi tìm chuyện tinh thần; vì giống như chỉ những ai có sức khỏe hoàn toàn mới không cảm thấy mệt mỏi khi vận động, thì ai có hạnh phúc vô điều kiện  không thấy phải cố công chút nào trong việc thực hành đức tính. Thế nên người khôn ngoan  không ngừng suy gẫm về sự an lạc của linh hồn, dùng ý chí tạo cho mình hằng có sự an lạc của linh hồn. Khi làm vậy, mọi hành động  không ích kỷ và cao thượng tự chúng trở thành niềm vui, và  không hề là điều khó nhọc. Ngược lại, kẻ dại khờ  không suy gẫm về sự an lạc của linh hồn mà về sự vui thú của cảm quan,  không ngừng than vãn, nói.
– Tội cho ta, trở thành đức hạnh khó biết bao, và sống mà  không có một chút tật xấu để thêm hương vị cho đời thì chán biết mấy, làm ta cảm thấy tẻ ngắt với sự nhạt nhẽo hết sức của nó và sự nghèo nàn hương vị.
'Và rồi họ đi tìm cách chấm dứt  sự tẻ ngắt ấy nhưng  không hề tìm ra, bởi phương tiện nằm ngay trong lòng họ,  không ở chỗ nào bên ngoài. Cũng thế, ai nói như sau cũng  không kém phần khờ dại.
– Tôi sẽ tạo đức hạnh bằng cách ngăn chận hết mọi tật xấu của tôi, và làm cho mình trở thành như gỗ đá,  không cảm một việc gì và do đó không thể làm hại; và nếu tôi  không đạt được hạnh phúc gì trong đời này ít nhất tôi sẽ có được nó trong đời sau, và như vậy sẽ có được phần thưởng cho mình.
Aristion ngưng chốc lát để suy nghĩ, rồi nói tiếp.
– Hãy biết rằng có hai cách để loại trừ tật xấu, một cách đúng và một cách sai, một cách chậm và  không chắc, cách kia mau lẹ và chắc chắn; vì tựa như y sĩ khờ dại tìm hiểu bệnh tật để mang lại sức khỏe, y sĩ khôn ngoan học về sức khỏe để làm tiêu tán bệnh tật, nói với bệnh nhân.
– Hãy tạo điều kiện để có sức khỏe, và bệnh tật tự nó sẽ tránh khỏi bạn.
'Và nếu chuyện đúng với thân xác thì tương tự vậy, nó cũng đúng với tâm trí, vốn đầy bệnh tật như ghét bỏ, ganh tị, ưa nhục dục, lòng giận dữ và những bướu khác,  không ngừng gây đau đớn làm ta  không lúc nào bớt đau.
Rồi bệnh nhân hỏi.
– Làm sao tôi loại bỏ được những điều tệ hại đang hành hạ và khiến tôi  không có chút bình an ?
Y sĩ của tâm hồn dưới dạng giáo sĩ đáp.
– Hãy giết chúng bằng độc chất để chúng chết đi và  không còn phá rối bạn nữa.
Thế thì bệnh nhân tìm cách giết chúng, có khi thành công sau nỗ lực lớn lao, có khi không thành công chút nào. Khi họ chết đi, vùng vẫy dẫy dụa mà chết, vào lúc cuối chập chờn như ánh nến sắp tắt, họ tự bảo mình.
– Nay ta đã dập tắt mọi nhược điểm của mình, nhưng  không cảm thấy có hạnh phúc hơn, mà làm vậy đau khổ  không sao chịu được,  không đáng với công khó chút nào. Chắc chắn phải có gì đó sai lạc, vì cảm thấy một chút lòng ghét bỏ hay ganh tị hay có đam mê thì  không phải là bớt vô vị hơn là  không cảm thấy chuyện gì sao ?
Ngẫu nhiên có y sĩ khôn ngoan của tâm hồn gặp anh và nói. 
– Bạn này, bạn đã cố công chữa bệnh bằng cách học về bệnh tật thay vì học về sức khỏe và làm tròn những điều kiện để có sức khỏe, thành ra cảnh ngộ thứ hai của bạn không khá hơn mấy cảnh ngộ thứ nhất, vì bây giờ bạn  không có bệnh tật hay sức khỏe, mà có một điều gì đó đứng giữa hai chuyện này, hết sức tiêu cực và  không đâu ra đâu, như một thân xác  không có linh hồn. Vì tuy bạn đã loại trừ điều ác, điều Thiện  không có đó để thay chỗ chúng, cũng như hạnh phúc  không có đó để thay chỗ cho đau khổ  của bạn, và chỉ có điều  không xấu cũng  không tốt,  không phải đau khổ cũng  không phải hạnh phúc, chán ngắt và  không có gì thêm.
'Không, trọn cách làm của bạn sai lầm, vì bạn đã bắt đầu từ khởi điểm sai của chuyện, tiêu diệt điều ác thay vì tạo nên điều thiện; vì  không giống như những chuyện khác, tinh thần bắt đầu từ trên cao mà  không phải từ dưới đáy, và hạnh phúc thuần khiết nhất chỉ tìm thấy được trong không khí trong trẻo nhất của vòm trời xanh, và tâm trí bạn phải như cánh chim vút  cao trong đó, thay vì trong không khí mờ mịt của khu nhà tồi tàn. Và nếu chuyện là vậy đối với không khí, thì nó cũng y thế với đức hạnh và hạnh phúc.
'Hãy biết rằng người ta chỉ có thể đẩy  không khí xấu trong phổi ra bằng cách làm đầy phổi với không khí trong sạch, mà không phải bằng cách làm phổi  không có chút  không khí nào như bạn đã làm theo cách nói ví von, và khi làm vậy hóa ra bị ngộp thở gần chết. Vì thế như tôi đã nói, cách duy nhất để loại bỏ sầu não trong tâm hồn là gạt nó ra bằng cách  không ngừng trụ tâm trí vào Hạnh phúc, cách loại trừ lòng ghét bỏ là suy gẫm về Tình thương, và điều ác với điều lành, tật xấu với đức hạnh; vì quả thật yêu mến điều lành thì tốt hơn là chỉ ghét bỏ điều ác, bởi lòng ghét bỏ dưới bất cứ hình thức nào, tự nó là một điều ác.
'Nay bài học của chúng ta đã xong, xin hẹn sang ngày mai, phần còn lại trong ngày xin hai bạn vui chơi tùy thích.'
Nói xong Aristion đứng dậy mỉm cười, đi ngang qua vườn ra khỏi cổng.

 

IX

Sang ngày kế ba người gặp nhau cho bài học thứ tư và là bài chót, trong gian phòng nhỏ giữa các rặng thông. Aristion chào họ với nụ cười thường lệ, và khi mọi người đã yên chỗ, ông bắt đầu.
– Ai muốn đạt tới minh triết phải học cách trưởng thành ra khỏi tuổi thơ và thành người lớn, bởi đa số nhân loại vẫn còn là trẻ con, tuy họ cho rằng mình là người lớn. Đặc tính của trẻ con là có những điều ưa thích và không ưa thích, than vãn điều không đáng, và có tánh hân hoan với điều  không đáng hân hoan chút nào. Tuy vậy, như người lớn mỉm cười khoan dung với tính trẻ con của trẻ nhỏ, thì nhà hiền triết  cũng mỉm cười khoan dung với tính trẻ con của Nhân loại, vì đa số chỉ là trẻ con to lớn trá hình, hân hoan và than vãn về những cảnh ngộ không đáng làm như thế này hay kia. Như ai đó tức giận vì điều ác của người khác và nói.
– Hắn ta và điều xấu hắn làm đáng bị nguyền rủa, để cho hắn cút đi, tôi rất chán ghét sự điên rồ của hắn,
'mà quên rằng sự giận dữ và lời của mình  không là gì hơn sự điên rồ, và họ chỉ thêm sự điên rồ vào chuyện điên rồ, và nó chẳng là gì khác hơn tính trẻ con. Rồi người khác than vãn là đồ trang sức rẻ tiền bị mất, nói.
– Tội cho tôi đã bị mất đồ trang sức, nay  không còn trang điểm làm đẹp cho mình được nữa.
'Mà như thế cũng là có tính trẻ con, vì nói cho cùng thì đồ trang sức rẻ tiền nơi không phải tương đương như đồ chơi nơi trẻ con ư ? Người khác nữa lo lắng, ngồi đứng  không yên, bảo.
–Ta nghe thiên hạ nói thế này thế nọ về ta, bảo ta là thế này thế kia, mà những điều họ nói là  không thật, vậy ta hãy trả đũa bằng cách tung tin xấu đáp lại.
'Mà vậy cũng là có tính trẻ con, bởi làm sao lời chộn rộn của vài con két có thể gây xáo động cho sự an nhiên của  tâm trí ai ngoài tâm trí của một đứa trẻ ? Hơn nữa lòng tức giận và mong muốn trả thù  không là gì khác hơn lòng tự ái bị tổn thương, là chuyện của trẻ con ở nhà trẻ hơn là của ở lớp cao. Để nhấn mạnh điều này cho tâm trí bạn, tôi xin kể câu chuyện sau.
'Khi xưa có một người đã lập gia đình, có bạn mà họ rất quí mến nên trong một lúc đem bạn về ở với mình, đối đãi họ như anh em. Nhưng người vợ của anh rất xinh đẹp nên người bạn sinh lòng thương yêu cô, và khi không thể cưỡng được sự cám dỗ, phạm tội ngoại tình với cô vào một đêm chủ nhân vắng nhà. Lúc nhận thức ra điều mình đã làm, anh cho rằng cách duy nhất để chữa lại là chấm dứt cuộc tình bằng cách bỏ đi luôn. Thế thì khi người chồng trở về, anh bạn đã rời nhà đi xa, gặp cướp, bị lấy hết đồ đạc và bị thủ tiêu, mất hết dấu vết.
'Nhưng người chồng khi quay về nhà và tình cờ khám phá chuyện gì xẩy ra trong thời gian anh vắng mặt, đâm ra giận dữ, ghen tương và xấu hổ, sinh ra lòng nhất quyết điều mà anh khờ dại tin là anh hùng và trả thù chính đáng. Nên gần như ngay lúc ấy, anh lên đường tìm 'người bạn' của mình mà  không bao giờ tìm ra, bởi kẻ ấy đã chết rồi. Vậy thì anh đi tìm cả tuần, kéo dài thành cả tháng, tháng thành năm, làm mình bị phiền muộn đủ bề, nhưng luôn bị một ý tưởng mà anh  không tìm cách gạt khỏi trí mình,  không ngớt thôi thúc cố hơn nữa.
'Cuối cùng khi chót hết anh thấy rằng trọn việc ruổi dong khắp nước chỉ là vô ích, hậu quả là anh mệt mỏi, đau ốm, và thành già nua, anh quay về nhà vì bao nhiêu tiền của mang theo đã hết sạch và  không còn cách nào khác. Tuy nhiên trong thời gian đó, vợ anh, người mà anh bỏ để ra đi,  không hề có thư từ liên lạc, thấy nhân tình bỏ cô và bị chồng ruồng rẫy, cô bị giằng co giữa lòng sầu khổ và hối hận, bao nỗi niềm hòa chung làm cô phát bệnh, đau ốm rồi qua đời. Thế thì khi người chồng trở về, anh bước vào nhà hương tàn khói lạnh, mạng nhện giăng đầy, rêu phong mục nát; bởi vợ anh chết đã bao tháng qua, và giáo sĩ đã chôn cô ở nghĩa trang gần đó.
'Khi thấy chuyện gì xẩy ra, anh chồng tuy  không tội nghiệp vợ nhưng lại rất tội nghiệp mình và sự cô độc của anh, và cho những đau khổ anh tin là đã xẩy tới cho anh. Anh đi tới nhà vị giáo sĩ đã chôn vợ anh, tuôn ra hết những điều phiền não của mình bằng một tràng lời than thở. Nhưng vị giáo sĩ già, sau một lúc lắng nghe, nhìn anh lạnh lùng và nói.
– Anh trẻ con và xấu xa thì thôi ! Phàn nàn về những tai ương và khổ não mà anh đã tự gây cho anh do sự khờ dại và xấu xa của mình, và do lòng khao khát   không sao thỏa nguyện, để làm chuyện  có nghĩ tới cũng  không đáng, lại còn đi lang thang khắp chốn để thực hiện, thì có lợi gì ? Bởi chỉ có ai khờ dại hay trẻ con ở nhà trẻ hoàn toàn không có óc phân biện mới so sánh giữa sự đau đớn và phiền nhiễu, bực mình kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm với nỗi vui thú rất đáng ngờ cao lắm chỉ kéo dài vài chốc, và ngay cả khi có được, nhiều phần là kéo theo bao năm tháng có đau khổ, rắc rối thêm qua lòng hối hận và hối tiếc  không sao làm dịu. Hơn thế nữa, có ai ngoài kẻ khờ dại hay trẻ con, lại có thể hoàn toàn  không có tư tưởng hay chuyện quan trọng hơn để đi nghĩ ngợi và suy gẫm về một sự vui thú, mà bất cứ ai có óc phân biện ít nhất không thể xem đó là vui thú chút nào.
'Vì nếu cho dù bạn anh có chiếm được vợ anh đi nữa, hắn không làm vậy để làm anh tức tối, hay cố tình làm tổn thương anh, mà chỉ vì hắn  không thể cưỡng  được; sự kiện này hiển nhiên theo chuyện xẩy ra sau đó, hắn rời nhà anh ngay hôm sau, để tránh khỏi cám dỗ mà hắn  không sao chống cự. Và như vậy xét về mọi mặt, sự khờ dại của anh nặng nề hơn sự khờ dại của hắn, vì với sự lạnh lùng tàn nhẫn anh đã suy tính và hân hoan với việc gây hại kinh khiếp, còn hắn về phần mình  không hề muốn làm tổn thương anh chút nào.
'Và nay, kết quả của tính trẻ con không tưởng tượng được của anh, theo ý kiến chung và ngốc nghếch của kẻ ngu dốt và không suy xét, mà anh đã bị gạt để cho là điều anh hùng và cao cả, là gì ? Đầu tiên, anh đã phí nhiều năm trong đời cho việc tìm kiếm hoàn toàn uổng công, đem vào người bao phiền muộn không vì gì cả; và thứ hai, anh đã mất vợ, cô chết vì sầu não điều có thể dễ dàng được ngăn ngừa bằng sự tha thứ của anh; và thứ ba,  nếu tìm được người bạn hẳn anh sẽ giết họ, và như thế mất tất cả mà hoàn toàn  không đạt được chuyện gì. Hơn thế nữa, tựa như ý định xấu xa của anh ngu ngốc và trẻ con  không cãi được thì ý niệm sinh ra nó cũng tương tự, vì nó chỉ là kết quả của ảo tưởng và tính tự phụ, hai đặc tính thuộc về giai đoạn ấu trĩ hơn là trưởng thành.
Bởi chỉ có người khờ dại  mới nghĩ là được người khác hoàn toàn thương mến họ, mù quáng trọn vẹn với sự khả hữu là có thể mất nó hay một phần của nó trong hoàn cảnh mà họ  không có kiểm soát, như trường hợp của anh và vợ anh. Mà cũng  không có ai ngoại trừ trẻ con và người keo kiệt mới nắm cứng, bám chặt vào một vật, nói. 'Cái này của tôi, không ai khác được có nó trừ tôi.'
'Ngoài ra, tình yêu của anh đối với vợ và tình thương của anh đối với bạn đều không thanh khiết mà có nhuộm lòng ích kỷ, và có nét cái tôi thật đáng trách, bằng  không có vậy hẳn anh đã đặt hạnh phúc của họ lên trên hạnh phúc riêng của anh, và nếu  không đủ sức anh hùng hay rộng lượng để chấp nhận mối tình của họ, ít nhất anh cũng sẽ tha thứ nó, vì nói đúng ra nó gây rắc rối ít biết bao cho anh so với việc đi lang thang khắp chốn như anh đã làm. Nên nói cho cùng cách xử sự của anh làm linh hồn anh bị nhơ uế sâu đậm mà chỉ có một đời ăn năn và làm lành, hy sinh mới cứu nó khỏi hậu quả ghê gớm tới mức tột cùng. Ngoài nó ra  không có gì khác có thể tránh được cho anh, vì người ta phải gặt chuyện gì đã gieo.
Tới đây Aristion ngưng một chút, vì đã tới cuối chuyện, rồi ông nói chậm rãi, nhấn mạnh.
– Vì vậy hãy biết rằng tật xấu và nhược điểm của con người không gì khác hơn là tính trẻ con trá hình, và chỉ có huyễn mộng bao phủ họ do vô minh không biết mình khờ dại, và do câu nệ thói đời làm họ tưởng là mình có tư cách, nhưng đó chỉ là tưởng tượng mà  không có tư cách chi hết, như trường hợp có lòng tức giận, ghen ghét và hết các chuyện trả thù, trả đũa. Bởi, như vị giáo sĩ già nói rất đúng, tha thứ sẽ sinh ra ít chuyện hơn là tìm cách trả thù, và chỉ có ai tâm trí hoàn toàn  không có gì quan trọng hơn để nghĩ mới để ý  tới nó.
'Thế thì, muốn bỏ nhược điểm ta phải nhìn chúng y như chúng là mà không phải như chúng được tưởng tượng, như chuyện hôm qua về thiếu phụ nhìn cái cây mà thoạt tiên cô tưởng là người đàn ông. Nhưng trên hết thẩy, chúng ta phải đồng hóa trí mình với hạnh phúc vô điều kiện trong nội tâm, vì khi làm vậy ta sẽ có sự trưởng thành về tinh thần, làm cho mọi lỗi lầm hóa ra không đáng kể, mờ nhạt xa xôi như tiếng kêu của vài con trừu trong bầy ở nơi xa tít. 
'Nay tôi đã chỉ dạy hai bạn tất cả những gì tôi được phép, nhân vật kế tiếp chỉ dẫn cho bạn là một ẩn sĩ sống trên đỉnh đồi xa kia ở nơi hẻo lánh của ông giữa vùng cây cối. Ông đang chờ cả hai bạn, nay tôi xin dặn anh, Antonius, là về chỗ ngụ thì có một căn nhà gần đó cho hai bạn tạm trú và có thực phẩm,  vì ông  không có chỗ cho hai bạn trong lều của ông. (Chặng đường dài và những vị thầy ở mỗi chặng chỉ là biểu tượng cho sự phát triển dần dần nơi người chí nguyện.)
'Tuy nhiên, hãy ở lại cho tới ngày mai hay bao lâu mà bạn muốn, vì chặng đường dài hơn là khi nhìn, bạn phải mất trọn ngày mới tới chỗ cho dù khởi hành thật sớm.
Rồi Aristion đứng dậy, mỉm cười và nói.
–Ta sẽ gặp nhau chiều nay, mong hai bạn được bình an.
Đoạn ông băng ngang qua vườn ra khỏi cổng.

X

Ngày hôm sau Antonius và Cynara thức giấc rất sớm, chào từ giã chủ nhân và vợ ông với lòng luyến tiếc, đi tiếp chặng đường kế vì đã được Aristion chỉ. Trong nhiều giờ họ rảo bước trên đường, dọc theo sườn đồi, cho quang cảnh rất xinh đẹp. Bên dưới là một thung lũng rộng có con sông uốn lượn quanh co, xanh như bầu trời bên trên mà hai bên viền bóng những cây bạch dương, làm cho hai ven sông có mầu xanh lục nhạt. Thung lũng cũng rất hữu tình, có làng mạc rải rác đó đây, và cũng có trên sườn đồi của ngọn núi lớn đối diện, chen lẫn vài khu rừng và đồng cỏ có đàn gia súc đang gặm cỏ, chuông đeo cổ của chúng kêu leng keng theo gió reo vang trong thung lũng. Thỉnh thoảng có tiếng sáo của mục đồng nghe thoảng xa xa không biết từ đâu, khi khác có vẳng lên giọng hò của một người chèo thuyền hân hoan, chậm rãi bơi thuyền trên sông.
Tới một khúc quanh có con bò đơn độc nằm soài trên cỏ, Antonius nói.
– Tôi tự hỏi con bò kia có thấy hết cảnh đẹp đẽ này không, vì tuy chắc chắn mắt nó giống như mắt chúng ta và như vậy về một mặt những ngọn núi kia, khu rừng và giòng sông bên dưới hẳn phải nhìn y như ta nhìn, dầu thế chúng phải hoàn toàn  không có ý nghĩa gì, hay có ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, ý mà chúng ta  không bao giờ có thể đoán ra. Không phải vẻ mỹ lệ, mầu sắc và nét thi vị bao quanh ta mọi bề sao, mà có một sinh vật có tâm thức, lại hoàn toàn không ý thức những điều này, như con cá không ý thức tất cả những gì ngoài nó ra ? Vậy có phải Aristion có lý khi nói, ' Không có gì tự nó có Mỹ lệ hay Hạnh phúc, mà chỉ nhằm mang ra một phần của mỹ lệ và hạnh phúc vô tận tiềm ẩn trong trí, hay nói đúng hơn là linh hồn' ?
'Vậy  không nghi ngờ gì là mục tử chui ra từ căn chòi nhỏ xa kia cũng mù tối với trọn vẻ diễm lệ này như con bò; vì tuy anh thấy cùng dốc núi và vòm trời xanh thẫm trên kia, nhưng vẻ thi vị của nó hoàn toàn thiếu vắng trong nhận thức của anh, bởi anh  không có gì trong tâm trí.
Cynara trả lời bỡn cợt.
– Tôi nghĩ anh học thuộc bài quá mau, vậy càng tốt vì ngay cả con bò cũng có thể dạy anh đôi điều bất kể việc đọc sách và học hỏi lâu năm của anh; nhưng nói về mục tử xa kia, ai biết anh ta đã học được sự khôn ngoan gì khi tiếp xúc với thiên nhiên,  không chừng anh là nhà hiền triết giả dạng, như ông lão hành khất của anh, người mà chúng ta có món nợ khó hoàn. Vậy chúng ta chớ nên mau mắn phê bình ai thấp kém hơn, vì bề ngoài dễ dàng dối gạt, nhất là, nói ra thấy lạ, không biết tại sao tôi có cảm tình với mục tử xa kia, ngay cả việc anh ta dơ bẩn, xấu xí, nói chung không ưa nhìn; nên tôi không muốn nghe anh nói rằng anh ta không có thi vị trong tâm.
Antonius cười và đáp.
– Coi bộ cô cũng học được từ những chỉ dạy vừa rồi, vì chắc chắn cô cảm thấy một chút Tình thương vô điều kiện trong tim cho anh chàng kia, người  không có lợi điểm nào để ta sinh ra tình cảm riêng tư hơn với anh; và như tôi đã học đôi điều từ con bò, cô đã học đôi điều từ chủ của nó, vậy ta huề nhau.
Cynara cười trả lại, nhưng đáp.
– Không hẳn, vì nếu tình thương của tôi thực sự vô điều kiện, anh chàng kia hẳn  không có gì liên hệ với nó, và tôi hẳn ý thức nó luôn luôn, ngay cả trước khi tôi nhìn thấy anh ta. Nay tôi xin kể anh nghe một chuyện bí mật, anh tin hay  không thì tùy, nhưng ai có tình thương trong tim phải tuôn rải khắp chung quanh, vì ấy là bản chất của tình thương chân thực, tức giống như mặt trời chiếu rạng mọi điều, xấu cũng như đẹp. Cũng như tình thương nào không làm giống vậy thì  không phải là tình thương chân thực, mà chỉ là lòng ích kỷ giả dạng lấy tên của nó.
Antonius mỉm cười tán đồng, bảo.
– Hỡi cô triết gia nhỏ bé, cô xứng đáng  không gọi tên trang trọng như thế, và  không phải tôi có nói với cô là tôi sẽ học được nhiều điều từ miệng cô ư, nó như phát ngôn cho trực giác cao tột của cô.
Rồi hai người cùng nói chuyện về Aristion và bài dạy của ông, vẻ an nhiên tự tại, sức thu hút của ông, cùng lúc tự hỏi vị thầy sắp tới của họ sẽ như thế nào, và ông sẽ có những bài học lạ lùng nào cho họ. Hai người đi trọn ngày, chỉ nghỉ chân một lần để dùng bữa trong một ngôi làng nhỏ nằm trên đầu một khe, dưới sâu có thác nước ào ào rơi, cuồn cuộn hung hăng tuôn xuống con sông rộng bên dưới. 
Sau bữa ăn, họ bắt buộc phải đi xuống khe này, giữa những tảng đá lớn và nhiều hòn đá rêu phủ đầy, có bụi nước văng lên mát lạnh. Hai người không thể trò chuyện vì tiếng nước chẩy vang dội làm át giọng họ trong tiếng nhạc của nước. Tới chiều, họ đến thung lũng cạnh con sông rộng, có thiên nga trắng bơi lượn dưới bóng những cây trắc bách diệp và cây bạch dương. Trước mặt họ là ngọn đồi mà hai người phải đi lên để tới nơi đã định, ngọn đồi có rừng cây bao phủ.
Sau cuộc leo dốc chậm chạp và khó khăn, họ lên tới đỉnh lúc hoàng hôn, thấy một căn nhà nhỏ nép mình giữa khóm cây. Ở đó họ hỏi đường một bà lão đứng  ở ngạch cửa. Để trả lời, bà hỏi lạ lùng.
– Phải hai vị là người mà ẩn sĩ Petrius đang chờ ? Nếu vậy thì đây là chỗ cho hai người tạm cư, rồi ông sẽ gặp hai người vào sáng mai.
Antonius xác nhận, tự nghĩ bụng.
– Làm như những người này biết hết mọi điều, họ biết chuyện người khác bằng phép thuật gì vậy ?
Nhưng anh nói với bà.
– Đúng vậy, thưa bà, xin bà cho chúng tôi thức ăn và nước để dùng, vì chúng tôi đã qua đoạn đường dài và rất mệt mỏi.
Sáng hôm sau họ dậy sớm, và sau khi rửa mặt, ăn sáng, họ theo lời bà lão chỉ, đi vài trăm bước xuống bên phải ngọn đồi nơi khu rừng đặc biệt dầy đặc, lối mòn bị che phủ khó mà nhận ra. Rồi theo lời chỉ dẫn của bà, lòng đầy mong mỏi, hăng hái nhưng phải là không có lẫn chút e sợ, cuối cùng họ tới một khoảng trống cỏ xanh, có hồ nhỏ nước trong vắt và chòi bằng đá, chung quanh dây dại leo bám đầy xanh um. Trong chòi có ông lão ngồi trầm tĩnh, chòm râu nhọn mầu đen và áo dài trông như y phục nhà tu, tuy mầu áo không u tối mà là mầu xanh đậm đẹp đẽ, đậm hơn mầu trời. Khi thấy hai người tới gần ông đứng dậy và mỉm cười, tiến ra chào hỏi vài câu thân ái khéo léo. Ông nói.
– Lâu lắm rồi ta mới có học trò mới, vì ông thầy sẵn sàng để dậy hơn là trò sẵn sàng học, thế nhưng chúng ta không thể đi tìm trò vì trong Khoa học của chúng ta, qui luật khác với những khoa học khác, và trò không thể được người lớn gửi đến trường, mà phải tự mình đến.
Ông lại mỉm cười, nói.
– Chỗ của ta nghèo hèn nhất, nhưng thảm cỏ cho ghế ngồi êm ái nhất, vậy chúng ta hãy ngồi xuống trong bóng mát của cây cạnh bờ hồ, nơi luôn luôn thơm và mát, do con suối giữa rừng chẩy ra.
Khi họ đã an chỗ, Antonius nhìn vị ẩn sĩ và thưa.
– Thưa ngài, con ngạc nhiên với hạnh phúc xem ra  bất biến và sự an nhiên không phải chỉ riêng của Aristion là người gửi chúng con tới đây, mà luôn cả của ngài, cho dù cô tịch vắng vẻ rất mực và ngài chọn cách sống xa lánh thế gian, gương mặt lại  không có chút khắc khổ nào.
Vị ẩn sĩ cười một chút và trả lời.
– Một triết gia rầu rĩ ! Này anh bạn, quả thật là chữ trái nghĩa và không đáng với danh xưng như thế, vì triết lý có giá trị gì trừ phi nó mang lại cho ta sự bình an ?
– Vậy mà, Antonius đáp, con  nghe kể có nhiều triết gia khắc khổ và buồn rầu, xị mặt, có vẻ cô đơn, ghét người, lạc điệu với thế giới.
Vị ẩn sĩ lại cười nhẹ nhàng và đáp.
– Nếu vậy có vẻ như triết gia của bạn chỉ có danh mà  không có thực, vì ai đã ý thức sự sống và vạn vật là một thì không thể có sự cô đơn, ghét người hay  không hài lòng, mà hoàn toàn ngược hẳn lại.  Điều này đưa tới mục đích đầu tiên của triết lý là cho chúng ta tánh thản nhiên thiêng liêng, khiến ta thấy  không đáng kể chút nào việc sống trong hay ngoài thế giới, trong cung điện hay chòi rơm, ở chỗ này hay chỗ khác.
'Vì hãy biết rằng có hai tánh thản nhiên, một là tánh thản nhiên thiêng liêng sinh ra do hạnh phúc  không thay đổi, và một là tính thản nhiên tầm thường sinh ra do sự tẻ ngắt  không thay đổi; một tính thuộc về nhà hiền triết và tính kia chỉ là cho kẻ nhạo đời. Bởi người trước nói, 'Ta hạnh phúc quá đỗi nên  không sao cảm thấy buồn rầu', còn người sau nói, 'Ta sầu não quá không thể sầu não hơn được nữa, hay cảm được chút vui thú chi'. Như vậy thái độ của một bên là tích cực và bên kia hoàn toàn tiêu cực. Và theo đó triết gia đúng nghĩa vun trồng tánh thản nhiên thiêng liêng, có được bằng cách suy gẫm không ngừng về sự an lạc của linh hồn, là điều mà ta được phép chỉ dạy cho học trò nào sẵn lòng muốn học.
Đoạn Petrius mỉm cười và vuốt râu giây lát, nhìn hai người có thể là đệ tử, người này sang người kia. Rồi đột nhiên gương mặt  ông trở nên nghiêm trang, và ông nói.
– Tuy nhiên có những điều mật truyền trong lúc chỉ dạy  không được phép tiết lộ cho người ngoài, vì ai học tập cần mẫn sẽ thụ đắc quyền năng lớn lao mà nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ thành phương tiện tai hại gây ra tàn phá, và do vậy là hiểm họa cho sự an vui của nhân loại. Nên ta buộc lòng phải có biện pháp để bảo đảm sự cẩn mật nơi ai ta chỉ dạy, vì nếu họ sai lời thì con đường mau lẹ để có hiểu biết sẽ phải đóng lại với họ, không cho có chọn lựa nào khác mà phải đi con đường chậm chạp hơn.
'Và  không phải chỉ có sự cẩn mật mà phải thêm vào đó niềm tin và lòng khoan dung, vì lòng khoan dung là điều bảo đảm lớn lao cho việc lạm dụng quyền năng nhằm mục đích sai lạc, thành huyễn hoặc vì giống như điều lành. Xưa kia lâu lắm rồi, do lòng tốt bụng  đặt sai chỗ ta nới lỏng qui luật của  môn phái, cho phép một đệ tử có vài quyền năng trước khi anh có lòng khoan dung cần thiết trong tim để dùng chúng đúng đắn. Người đệ tử này có lòng yêu quí rất nhiều một người bạn, cuồng nhiệt muốn họ theo cùng đường hiểu biết như mình, thấy rằng nó mang lại hạnh phúc cho anh. Nhưng người bạn  không muốn chút nào, có câu trả lời giận dữ cho mọi lời nài nỉ của anh, chót hết   không muốn nghe gì nữa. Đệ tử của ta do sự cuồng nhiệt của mình, bảo.
– Nào, bạn mù quáng quá đỗi với  những chuyện chỉ tốt lành cho bạn, nên tôi sẽ dùng quyền năng của mình ép buộc bạn phải thuận theo ý tôi.
'Nhưng ta biết được chuyện và cấm cửa người đệ tử khờ dại ấy ba năm, bảo anh học hạnh khoan dung trước khi được nhận vào trở lại, bởi ai cuồng tín đều nguy hiểm cho cộng đồng, cũng như là thiếu óc phân biện và sáng suốt. Hãy biết rằng mọi người, bất kể là ai, đi theo con đường thính hợp nhất cho họ và tánh khí cùng đặc tính của mình tới sự hiểu biết, và nỗ lực ép buộc họ đi theo đường mau hơn hoặc trực tiếp hơn  không những là điên rồ mà nhiều phần còn làm họ té ngã.
'Bởi động lực cho mọi hành động là tìm kiếm hạnh phúc, và sự khác biệt duy nhất giữa thánh nhân với kẻ tội lỗi là người trước đi tìm theo đường thẳng còn người sau theo đường vòng. Vậy mà, chỉ có ai gan dạ và mạnh mẽ mới mong trèo đường dốc đứng lên núi mà  không gặp hiểm nguy, còn kẻ yếu hơn phải theo đường vòng xoắn ốc và dài hơn; thành ra chỉ có ai có tinh thần gan dạ và mạnh mẽ mới mong leo dốc núi đứng để tới hạnh phúc, người yếu hơn phải theo đường chậm hơn, bất cứ đường nào khác sẽ làm họ bị hủy hoại  không tránh được.

(còn tiếp)